Ngành dệt may vững bước trong năm 2012

Năm 2011 ngành dệt may đã thực hiện nhiều biện pháp để vượt qua khó khăn. Bên cạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành dệt may còn đặc biệt chú trọng phát triển thị trường trong nước và từng bước thực hiện việc tái cấu trúc. Mấy năm trở lại đây ngành dệt

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Theo công bố của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2011, ngành dệt may xuất siêu 6,5 tỷ USD, tăng 1,5 tỷ USD so với năm 2010. Với mức xuất siêu này, ngành dệt may đã nâng tỷ lệ nội địa hóa lên tới 48%. Trong điều kiện xuất khẩu của cả nước tăng trưởng “âm”, những nỗ lực của ngành dệt may là một điều đáng ghi nhận trong điều kiện sức mua của nhiều thị trường lớn trên thế giới giảm và kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực khác của Việt Nam đều giảm.

Tuy có sự cải thiện đáng kể về tỷ lệ nội địa hóa, song ngành dệt may vẫn cần có sự bứt phá hơn nữa để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu. Việc sản xuất được nguyên phụ liệu trong những năm tới sẽ giúp ngành chủ động hơn với các hợp đồng xuất khẩu lớn, có giá trị và quan trọng là giảm được rủi ro và sức ép của biến động giá nguyên liệu trên thị trường thế giới như năm 2011. Được biết, đến nay doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đã có thể xuất khẩu một số loại nguyên phụ liệu thay vì hoàn toàn nhập khẩu như trước đây. Các dòng sản phẩm mới như vải, xơ polyester, phụ liệu, sợi... được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Trung Đông.

Lãnh đạo ngành dệt may giải thích, dù lạm phát, nhưng kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản vẫn tăng trưởng tốt, do ngành đã chọn đúng thị trường ngách để khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của mình. Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 14%, châu Âu tăng 41%, Nhật Bản tăng 52% so với năm 2010.

Mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may năm 2012 là chinh phục mốc 15 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, ngành sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, do khủng hoảng kinh tế thế giới chưa hồi phục, nợ công ở một số nước châu Âu vẫn tiếp diễn. Xu hướng giảm giá đơn hàng có thể khiến tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường chính năm 2012 giảm khoảng 10-15% so với năm 2011.

Trong bối cảnh đó, giải pháp của ngành dệt may trong năm tới là giảm dần sự phụ thuộc vào các đơn hàng gia công, tập trung nâng cao tỷ lệ làm hàng xuất khẩu theo phương thức FOB, ODM, tăng sử dụng các nguyên phụ liệu được sản xuất trong nước.

Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, việc mở rộng khai thác thị trường mới đóng vai trò quyết định trong việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may. Đại diện Vitas cho biết, chỉ tính riêng trong tháng 10/2011, nhiều doanh nghiệp đã bị giảm đơn hàng từ 15% - 20% so với cùng kỳ. Tuy khó khăn như vậy, song các doanh nghiệp dệt may vẫn đang tự thân vận động và có những nỗ lực tìm cơ hội tại các thị trường mới, giảm phụ thuộc tại các thị trường như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... Cụ thể, các doanh nghiệp đã tìm hướng xâm nhập và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường mới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Angola, New Zealand, Ấn Độ, Nga... Nếu như trước đây, chỉ riêng thị trường Mỹ đã chiếm tới 60% hàng dệt may VN thì hiện tiêu thụ chỉ còn khoảng 51%, các thị trường nhỏ trước đây chỉ chiếm 10%, đến nay nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp đã nâng lên con số 20%.

Trong số các thị trường mới phải kể tới Hàn Quốc, một thị trường có sức tiêu thụ khá lớn. Các chuyên gia dự báo, khi Hiệp định tự do thương mại song phương VN – Hàn Quốc ký kết sẽ là “đòn bẩy” quan trọng nâng kim ngạch thương mại trong đó có lĩnh vực dệt may.

Hiện nay Hàn Quốc đứng thứ 4 trong số các nước nhập khẩu dệt may của VN chỉ sau Mỹ, Nhật và EU. Theo dự kiến, năm 2011, kim ngạch XK dệt may sang thị trường này đạt khoảng 750 – 780 triệu USD.

Bên cạnh việc xuất khẩu những mặt hàng may mặc thông thường, doanh nghiệp Việt Nam đã tăng xuất khẩu sản phẩm may mới, có tính truyền thống như lụa tơ tằm vào những thị trường khó tính, kể cả Trung Quốc.

Khai thác tiềm năng của thị trường nội địa

Bên cạnh phát triển thị trường xuất khẩu, năm vừa qua cũng như trong thời gian tới ngành dệt may vẫn luôn định hướng đi sâu vào các thị trường nội địa. Chính những khó khăn về xuất khẩu trong năm qua cũng như trong những năm tiếp theo, đã khiến nhiều doanh nghiệp cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư mạnh cho thị trường nội địa. Nỗ lực cạnh tranh với các nước xuất khẩu để dành lấy phần thị trường đang bị co hẹp và đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường nội địa là chiến lược hành động thành công của hầu hết các doanh nghiệp dệt may.

Thị trường nội địa, được coi là một cứu cánh của nhiều doanh nghiệp dệt may trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Năm 2011, mặc dù nền kinh tế có nhiều khó khăn nhưng doanh thu từ thị trường nội địa của các doanh nghiệp dệt may vẫn tăng trưởng khá. Theo báo cáo của Bộ Công thương, kết thúc năm 2011, doanh thu từ thị trường nội địa của các doanh nghiệp thuộc Vinatex ước đạt 17.200 tỷ đồng, tăng trưởng 15%.

Năm 2011 mặc dù người dân phải thắt chặt chi tiêu, nhưng ngành vẫn có mức tăng trưởng khá. Điều này chứng tỏ sản phẩm dệt may đã có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường nội địa.

Năm 2011, sản phẩm dệt may “Made in Vietnam” tiếp tục được người tiêu dùng sản lựa chọn. Nghiên cứu mới đây của Niesel - công ty chuyên cung cấp thông tin về đo lường các chỉ số truyền thông và thị trường còn cho thấy, có đến 90% người được hỏi ở Tp.HCM và 83% ở Hà Nội cho biết họ có thể hoặc chắc chắn sẽ mua hàng Việt Nam nhiều hơn.

Lý do khiến người tiêu dùng quay trở lại với các sản phẩm tiêu dùng trong nước được đưa ra gồm: giá cả hợp lý, tính đa dạng, dịch vụ khuyến mại, bảo hành tốt, và quan trọng nhất là sản phẩm đảm bảo cho sức khỏe người sử dụng hơn so với hàng Trung Quốc.

Năm 2012, kế hoạch tăng trưởng doanh thu từ thị trường nội địa được Vinatex đặt ra ở mức 18 – 20%. Hệ thống phân phối của Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã được mở rộng về các tỉnh, thành phố với hơn 3.445 điểm bán tại các đại lý, cửa hàng; 60 siêu thị Vinatex – mart, Trung tâm thương mại. Với chiến lược phát triển thị trường nội địa, các doanh nghiệp thuộc tập đoàn đã tích cực tham gia các hoạt động như đưa hàng về nông thôn, hội chợ quảng bá sản phẩm dệt may…

Với những kinh nghiệm tích lũy được trong năm 2011, trong năm 2012, ngành dệt may sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Hiệp hội Dệt may khuyến cáo các doanh nghiệp trong ngành cần tìm hiểu thị hiếu của từng vùng, lắng nghe ý kiến của người dân để từng bước hoàn thiện sản phẩm cho phù hợp, phân khúc lại thị trường nhằm mục tiêu kinh doanh lâu dài.

Tái cấu trúc ngành dệt may hướng tới phát triển bền vững

Để ngành dệt may Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững thì việc tái cấu trúc ngành là rất cần thiết. Tập đoàn dệt may cho biết, việc tái cấu trúc lại ngành dệt may đã và đang được thực hiện theo hướng sản xuất những sản phẩm sinh thái, sản phẩm kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng là điều tất yếu. Thực tế, ngay ở thời điểm hiện tại nhiều nước nhập khẩu sản phẩm may mặc của Việt Nam đã xây dựng những tiêu chí về môi trường, tiêu chí về đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng... rất chặt chẽ. Đây không chỉ là vấn đề đảm bảo môi trường, đảm bảo cho quyền lợi của người tiêu dùng mà đây cũng chính là những rào cản thương mại khó vượt của các nước nhập khẩu.

Mặt khác, theo Tập đoàn dệt may, việc tái cấu trúc còn tập trung phát triển ngành theo chiều sâu như đầu tư cho khoa học kỹ thuật, hiện đại hóa công nghệ sản xuất thông qua đó giảm số lượng công nhân, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động… Điều đáng mừng là một số doanh nghiệp trong ngành bao gồm : Tổng công ty Cổ phần dệt may Hòa Thọ, May Việt Tiến… đã rất chủ động trong việc đầu tư cho khoa học kỹ thuật, đặc biệt sử dụng phương pháp Lean. Đây là phương pháp sản xuất tinh gọn, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian gia công sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất giúp tăng lợi nhuận. Cùng đó, Tập đoàn dệt may sẽ tiếp tục hướng doanh nghiệp tập trung theo hướng đẩy mạnh thương mại điện tử và nên có định hướng cùng nhau phối hợp xây dựng một sàn giao dịch sản phẩm dệt may điện tử. Khi có một hệ thống hàng hóa được mã hóa, số hóa doanh nghiệp sẽ rất thuận lợi trong việc quản lý, phân phối.

Tái cấu trúc lại ngành dệt may không phải là điều dễ dàng, nhưng với những thành quả mà ngành đạt được trong những năm qua thì đây không phải là những khó khăn không thể vượt qua./.

 

Tuyển dụng

Thư viện hình ảnh